Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

TS.Trần Mạnh Tiến & Trường Đại học Bách khoa Hà nội & Hội Hoá học Việt nam

19/04/2010 17:21  |  152 lượt xem


Mỗi nhà khoa học phải có Tổ quốc của mình* (09:23:41 Ngày 19/04/2010)
 GS.TSKH Đặng Vũ Minh GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Uỷ viên TW Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và Môi trường Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng TW Liên hiệp hội Việt Nam khoá V, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn www.vusta.vn và Bản tin KCP. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. - Thưa GS. TSKH Đặng Vũ Minh, được biết, ông là một nhà khoa học đã nhiều năm giữ các trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, ở các cương vị đòi hỏi năng lực và tâm huyết trong việc tập hợp và phát huy lực lượng trí thức nói chung, trí thức khoa học và công nghệ nói riêng. Xin ông cho biết đôi nét về những bài học kinh nghiệm mà ông rút ra được từ quá trình công tác và cống hiến của mình. GS. TSKH Đặng Vũ Minh: Tôi đã có quá trình bốn mươi năm làm công tác nghiên cứu và quản lý trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tôi nghĩ rằng, hiểu biết, đồng cảm với người trí thức Việt Nam và môi trường làm việc sáng tạo của họ là điều trọng yếu nhất; bởi nếu không sẽ dẫn đến cái nhìn hời hợt, phiến diện của nhà quản lý. Xin nêu một ví dụ: Trong một cuộc tiếp xúc với chuyên gia quốc tế gần đây, có vị quan chức nước ngoài khuyên nhà nước ta nên tuyển khoảng 200 sinh viên tốt nghiệp ưu tú, đưa sang các trường đại học danh tiếng của nước ông đào tạo thêm 4 năm nữa rồi trở về Việt Nam làm lực lượng nòng cốt xây dựng trường đại học đẳng cấp cao. Tôi không nghĩ là ông ta đã hiểu hết Việt Nam. Vì giả sử thực hiện đúng như lời khuyên đó, thì liệu sẽ có bao nhiêu người sau khi được đào tạo sẽ tình nguyện trở về nước, và bao nhiêu người có đủ năng lực giảng dạy tốt ở đại học Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay? Trước hết theo tôi hãy đặt niềm tin vào trí thức Việt Nam và biết phát huy năng lực của họ. Có như thế chúng ta mới thu hút được trí thức Việt Nam và chất xám từ nước ngoài trở về phục vụ Tổ quốc. Vừa qua, chúng tôi có đi làm việc với anh em cán bộ khoa học – công nghệ ở một số công trình lớn như Thuỷ điện Sơn La, nhà máy lọc dầu Dung Quất… Chuyên gia nước ngoài rất ít, phần lớn là các chuyên gia Việt Nam đóng vai trò chủ chốt. Cần nhớ rằng, đại đa số trí thức Việt Nam có lòng yêu nước, yêu dân tộc, có truyền thống hy sinh, cống hiến cho Cách mạng, cho Tổ quốc trong những thời kỳ gian nan thử thách nhất, và có những đóng góp to lớn trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. - Làm thế nào để phát huy năng lực của trí thức khoa học và công nghệ? Tôi nghĩ đến hai việc cần làm ngay. Thứ nhất, cần quyết tâm cải thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và tạo ra môi trường, không gian sáng tạo. Lao động trí óc có những đặc thù riêng, đòi hỏi những điều kiện thích hợp. Ví dụ, về độ tuổi nghỉ hưu của người làm khoa học, có nên áp dụng như người làm công tác hành chính hay không? Tôi cho là không nên. Hiện nay nước ta rất cần lực lượng khoa học trẻ, những tài năng sớm phát triển. Nhưng trong thực tế thì nhìn chung những cán bộ khoa học ở độ tuổi từ 35 đến 65 – 70 còn sức khoẻ tốt vẫn là lực lượng trí thức quan trọng đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước. Tôi được biết, có nhà khoa học nổi tiếng, ở tuổi 70 đã hoàn thành công trình đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tôi xin nêu một ví dụ khác, về việc cần đổi mới cơ chế tài chính trong quản lý khoa học. Khi còn làm Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một cán bộ khoa học trẻ xuất sắc cứ nằng nặc xin chuyển công tác sang một lĩnh vực khác, không liên quan gì đến chuyên môn của mình. Hỏi duyên cớ thì được biết, hàng tháng anh cứ phải đi tìm mua hoá đơn đỏ để thanh toán các khoản thu cho hợp lệ! Còn nhiều chuyện để nói về tính bất hợp lý và tạo ra sự thiếu minh bạch trong chính sách tài chính của chúng ta hiện nay. Ở đây tôi không chỉ muốn nói đến chuyện lương bổng mà điều rộng lớn hơn đó là tinh thần trọng thị đối với trí thức nước nhà. Từ trước khi về tiếp quản Thủ đô, năm 1954, Chính phủ Cách mạng dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, đã thực hiện công tác trí thức vận rất sâu sắc, thấu tình đạt lý. Các nhà lãnh đạo và các nhà khoa học từ chiến khu Việt Bắc đã tìm cách gửi thư đến từng trí thức yêu nước còn sống ở Hà Nội, thuyết phục họ ở lại phục vụ Tổ quốc; sau đó Nhà nước quyết định giữ nguyên mức lương của những trí thức tiếp tục ra làm việc cho chính quyền cách mạng (thường cao gấp mười lần mức lương của các đồng nghiệp) Và ngay từ năm 1955, Nhà nước đã có đợt phong tặng học hàm giáo sư đầu tiên cho 13 nhà khoa học lớn, như GS. Tạ Quang Bửu, GS. Đặng Văn Ngữ, GS Tôn Thất Tùng, GS. Đặng Thai Mai… Họ đều là những trụ cột tinh thần của khoa học Việt Nam. Trong cách ứng xử, đối với trí thức, cần có tấm lòng thành thật, tôn trọng lẫn nhau, từ việc bình thường như trả lời thư góp ý của các vị, hay như việc tổ chức các buổi đối thoại, trao đổi ý kiến về các vấn đề xã hội, của đất nước mà trí thức rất quan tâm. Đối với trí thức, đặc biệt là trí thức khoa học công nghệ do phải tập trung suy nghĩ trong lĩnh vực chuyên môn hẹp, nên có thể hạn chế về sự hiểu biết đời thường, kể cả những vấn đề quản lý tài chính. Khi điều hành đề tài, họ có va vấp vào những chuyện đó thì cũng không nên máy móc quy kết, chụp mũ, mà nên giúp họ giải quyết có tình, có lý. Cả khi tiếp nhận các ý kiến tư vấn, phản biện của các nhà khoa học và công nghệ cũng cần có sự thiện chí từ cả hai phía: người góp ý và người tiếp nhận ý kiến đóng góp, với ý thức tất cả vì lợi ích chung của đất nước. - Vừa qua, Liên hiệp hội Việt Nam đã bước đầu có sự hợp tác với Viện Nghiên cứu lập pháp và một số uỷ ban của Quốc hội trong việc góp phần hoàn thiện các dự thảo luật. Là một uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Giáo sư suy nghĩ như thế nào để tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự đóng góp của trí thức khoa học và công nghệ nói chung và Liên hiệp hội Việt Nam nói riêng, phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước? Như chúng ta đã biết, Quốc hội là cơ quan lập pháp, với ba chức năng: xây dựng luật pháp, giám sát và quyết định các công việc lớn của đất nước. Quốc hội là đại diện của toàn dân, và để quyết định các vấn đề trong từng lĩnh vực thì cần phải có các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Năm 2008, khi chuyển sang công tác ở Quốc hội, tôi được phân công tham gia xây dựng Luật về Năng lượng nguyên tử. Chúng tôi trực tiếp mời các nhà khoa học về lĩnh vực này ở các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước, mời Liên hiệp hội Việt Nam cùng tham gia bàn thảo, đóng góp ý kiến xây dựng luật. Kết quả là nhờ các ý kiến tư vấn, phản biện của họ mà Ban soạn thảo Luật thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã sớm hoàn thành dự luật và được Quốc hội nhất trí thông qua. Tôi luôn nghĩ rằng, những ý kiến tư vấn, phản biện của trí thức khoa học và công nghệ trong Liên hiệp hội Việt Nam đóng góp cho việc xây dựng luật và các chủ trương, dự án lớn của đất nước là rất quý báu, vì ba lý do sau: Thứ nhất, phần lớn họ là những chuyên gia rất giỏi trong các lĩnh vực chuyên sâu mà họ đóng góp ý kiến. Hơn nữa ở đây lại tập hợp được các nhà khoa học trong nhiều ngành và liên ngành. Thứ hai, hầu hết trí thức Việt Nam đều trung thành, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là các trí thức lão thành đã trải qua gian nan thử thách qua các thời kỳ cách mạng. Thứ ba, ý kiến tư vấn, phản biện của các nhà khoa học Liên hiệp hội Việt Nam rất khách quan, có thể nói, so với các cán bộ trong các bộ ngành chủ quản, thì ít hoặc không bị sức ép từ cấp trên. Chỉ có điều, ai cũng có cái nhìn chủ quan của mình, người góp ý cũng như người tiếp nhận ý kiến cần hết sức thiện chí, lấy lợi ích chung làm trọng. - Sau gần một phần ba thế kỷ Liên hiệp hội Việt Nam xây dựng và trưởng thành, đã có những đóng góp xứng đáng trong công cuộc đổi mới, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tuy nhiên cũng còn có những tồn tại cần khắc phục. Theo ông, Liên hiệp hội Việt Nam cần đặc biệt tập trung vào những nội dung nào trong phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VI (2010 – 2015) và tầm nhìn 2020? Hiện tôi là một Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam và cũng là Chủ tịch Hội Phân tích Lý – Hoá – Sinh Việt Nam. Cảm nhận đầu tiên của tôi là sinh hoạt hội rất thích thú. Ở đây anh em gặp gỡ nhau, cùng chia sẻ các ý tưởng khoa học và tâm sự đời thường, không phân biệt cứng nhắc cấp bậc. Kinh phí hạn hẹp nhưng các hội hoạt động có hiệu quả. Sự tôn vinh các nhà khoa học như Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam do Liên hiệp hội Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm là rất đáng hoan nghênh. Tôi nghĩ đây là giải thưởng được tuyển chọn bởi một hội đồng rất trí tuệ và nghiêm túc, có giá trị lớn về khoa học và thực tiễn, chỉ đứng sau Giải thưởng Hồ Chí Minh. Về chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam, như trên tôi đã nói là rất quan trọng và có nhiều tiềm năng to lớn đóng góp cho các chủ trương, dự án lớn của đất nước, như việc làm đối với Thuỷ điện Sơn La, việc góp ý kiện toàn các bộ luật, việc tư vấn phản biện cho dự án xây dựng Nhà máy Điện nguyên tử Ninh Thuận vừa qua… Nhờ biết tiếp thu các ý kiến tư vấn, phản biện đúng đắn mà Nhà nước có thể tránh được những sai lầm dẫn đến thất thoát lớn. Giả dụ trong 10 ý kiến đóng góp, chỉ cần có một ý kiến đúng đắn, được tiếp thu cũng là quý lắm rồi. Là tổ chức tập hợp và phát huy đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, Liên hiệp hội Việt Nam cần được Đảng và Nhà nước tạo nhiều điều kiện hơn nữa nhằm tăng sức hấp dẫn đối với toàn thể trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức trẻ, trí thức thuộc các thành phần kinh tế khác nhau; và đặc biệt trí thức lão thành phải được coi là vốn quý của đất nước. Đến đây, tôi muốn nhắc lại câu nói của nhà khoa học nổi tiếng Louis Pasteur mà tôi hằng ngưỡng mộ: “Khoa học không có Tổ quốc, nhưng mỗi nhà khoa học thì phải có Tổ quốc của mình*”. - Thay mặt Bản tin KCP và trang web vusta.vn, xin chân thành cảm ơn ông đã dành cho bạn đọc những lời tâm sự chân thành và cởi mở. Kính chúc ông mạnh khoẻ, có nhiều thành tựu đóng góp cho đất nước và Liên hiệp hội Việt Nam.   Hữu Hưng thực hiện. Ảnh: Đức Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét